BREAKING NEWS
Chia sẻ là niềm vui

Monday, February 29, 2016

10 cách giúp bạn thông minh hơn mỗi ngày

Có phải bạn vẫn lầm tưởng rằng trí thông minh chỉ phát triển ở tuổi nhỏ? Một thực tế cho thấy, phần lớn những chủ đề về phát triển trí thông minh thường chỉ tập trung vào độ tuổi trẻ nhỏ. Nên nhiều người lầm tưởng rằng trí thông minh sẽ không tăng thêm khi ta lớn lên. Tuy nhiên nghiên cứu đã chứng minh rằng chúng ta hoàn toàn có thể “thông minh” hơn ở mọi độ tuổi.
THE HELP
Dưới đây là 10 điều mà cách nhà lãnh đạo trong nhiều lĩnh vực khác nhau đã áp dụng để khiến họ trở nên “thông minh” hơn mỗi ngày. Hoạt động nào sẽ phù hợp với bạn?

1. Online một cách hữu ích hơn

Online không có nghĩa tất cả chỉ là mạng xã hội và những video giải trí. Bạn sẽ rất dễ dàng để tìm kiếm những trang web để học thêm điều gì đó, ví dụ nhưng những khóa học online, Tedtalk hoặc các trang thông tin ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

2. Ghi lại những điều bạn đã học

Bạn không cần mất quá nhiều thời gian và công sức để viết lại chúng thật dài hay thật hay. Chỉ cần vài phút mỗi ngày để viết lại những điều mình đã học được trong ngày, đó sẽ là khoảng thời gian bạn nhìn lại và nghiền ngẫm nó. Bạn hiểu rõ những điều mới và nhớ rõ những kinh nghiệm của mình.

3. Tạo 1 to-did list

Thường ta nghĩ chỉ cần to-do list để quản lí công việc và các dự án tốt hơn. Tuy nhiên, bạn có biết rằng sự Tự Tin là một trong những yếu tố giúp chúng ta thông minh hơn. Vì thế đừng chỉ tập trung vào những việc cần làm, mà cũng dành thời gian xem lại những việc bạn đã hoàn thành để tăng thêm tự tin nhé.

4. Chơi giải câu đố và xếp hình

Các trò chơi giải câu đố, cờ, hoặc board game không chỉ giúp giải trí mà còn giúp chúng ta vận dụng não bộ . Khi chơi bạn buộc sẽ phải xử lí thông tin và suy nghĩ phương án tối ưu, đó cũng chính là lúc bạn luyện tập cho não hoạt động tốt hơn.

5. Đi với những người bạn thông minh

Jim Rohn, nhà diễn giả người Mỹ, đã nói “Bạn là trung bình cộng của 5 người mà bạn dành nhiều thời gian với họ nhất”. Việc tiếp xúc với những người bạn thông minh hơn mình là một cách nhanh chóng để giúp bạn học hỏi thêm. Bạn có thể học từ họ cách nói chuyện, cách suy nghĩ, giải quyết tình huống, v..v..

6. Đọc thật nhiều

Nhiều người vẫn thường nói rằng khi đọc, nên đọc kĩ, suy ngấm, thấu hiểu và áp dụng nó để đạt được hiệu quả tối ưu từ những kiến thức mới. Tuy nhiên hầu hết mọi người đều đồng ý rằng việc số lượng đọc cũng rất quan trọng. Bạn có thể hình thành thói quen đọc báo mỗi ngày, hoặc đọc những quyển truyện dài nhằm tăng khả năng đọc nhanh và tiếp thu lượng kiến thức lớn.

7. Giải thích những điều bạn học được cho người khác

Albert Einstein đã nói rằng “Nếu bạn không thể giải thích một điều gì đó cho người khác hiểu, nó đồng nghĩa với việc bạn vẫn chưa thật sự hiểu rõ điều đó”. Tiếp thu kiến thức mới thì đơn giản, nhưng để tạo ra những giá trị lớn từ những kiến thức đó, hãy học cách hiểu rõ và nó truyển tải cho những người khác.

8. Học một ngôn ngữ mới

Tất nhiên là bạn không cần phải trở thành nhà 1 ngôn ngữ học để thông minh hơn. Thông qua việc nghe, hiểu và nói một ngôn ngữ khác, khả năng xử lí thông tin của não bộ sẽ tăng lên. Từ đó nó sẽ có lợi khi bạn khi bạn gặp phải một vấn đề phức tạp và cần khả năng xử lí thông tin tốt.

9. Dành thời gian cho những khoảng lặng

Bạn có thể hình dung khả năng tiếp thu của mình giống như một ly nước, nếu bạn chỉ nghĩ đến việc tiếp thu những điều mới không thôi thì sẽ có lúc bạn cảm thấy bị quá tải. Đôi lúc bạn cần những khoảng lặng, hãy tìm một nơi yên tĩnh. Bởi đó là lúc não bộ sẽ xử lí những kiến thức mới bạn vừa tiếp nhận.

10. Đừng ngại thử những điều mới

Sau khi rời đại học, Steve Jobs đã tham gia vào khóa học viết thư pháp. Nó chẳng có vẻ gì liên quan đến Apple sau này, nhưng những kĩ năng thiết kế ông học từ khóa học đã giúp ích rất nhiều cho việc tạo ra chiếc Mac đầu tiên.
Bạn khó mà biết chính xác điều gì bạn làm hiện tại sẽ có ích cho tương lai của mình. Vì thế đừng ngại thử những điều mới và khác nhau. Một ngày nào đó bạn sẽ nhận ra rằng những điều mới bạn học được sẽ kết nối với nhau và tạo ra nhiều giá trị lớn cho tương lai của mình.
Nguồn HR Insider

8 việc cần làm ngay mỗi buổi sáng khi thức dậy

Để bắt đầu một buổi sáng hiệu quả, hãy: đặt chuông “báo ngủ”, uống nhiều nước, đọc sách, nói “thương” ai đó, và nhiều việc khác ngay nữa!
Early Morning

1. Lên lịch ngủ

Cái gì cũng vậy, trước khi làm phải lên kế hoạch, thời gian biểu rõ ràng thì mới thành công được. Việc ngủ và thức dậy cũng không phải là một ngoại lệ. Để thức dậy thật tỉnh táo bạn đã phải lên “plan” cho việc đi ngủ từ tối hôm trước rồi.
Nói chung, hãy tìm cho mình một khoảng thời gian êm ái nhất để ngả lưng xuống giường. Chẳng hạn 11g đêm leo lên giường là đẹp nhất. Xong đọc sách hay làm gì đó linh tinh cho dễ buồn ngủ rồi ngủ luôn một mạch tới 6g sáng. Sau đó, hãy kiên trì với kế hoạch đi ngủ này. Tự nhiên bạn sẽ thấy mình buồn ngủ vào lúc 11g và thức dậy lúc 6g sáng mà không cần phải có báo thức luôn.
Bình thường mọi người chỉ đặt báo thức buổi sáng thôi à, nhưng còn đặt thêm “báo ngủ” nữa. Cứ 11g đêm là điện thoại lại reo lên, báo tới giờ đi ngủ rồi. Bạn thử áp dụng xem sao nha!

2. Uống thật nhiều nước

Đã 7-8 tiếng trôi qua mà bạn chưa uống một ngụm nước nào rồi. Đó là chưa kể những bạn nào không uống nước vào buổi tối trước khi đi ngủ vì sợ buồn vệ sinh phá hỏng giấc ngủ ngon đó.
Vậy nên, sau khi thức dậy, đánh răng rửa mặt xong thì hãy thưởng cho cơ thể mình một ly nước lọc thật ngon lành. Nó có ích cho việc trao đổi chất và thanh lọc cơ thể, giúp bạn sẵn sàng cho một ngày mới đó.

3. Tập thể dục ngay

Tập thể dục có lợi như thế nào với sức khỏe thì bạn chắc cũng biết rồi, chỉ tại bạn thấy hơi lười nên bỏ qua không tập thôi.
Vậy thì bắt đầu từ sáng mai, khi mà bạn dậy từ 6g sáng và không biết làm gì cho tới 9g đi làm thì hãy thử vài động tác thể dục tại nhà, như hít đất, đu xà hay gì cũng được. Hãy duy trì và biến nó thành một thói quen, bạn sẽ thấy sức bền của mình tăng lên đáng kể đó!
Đừng biện hộ là bạn sẽ đi làm về rồi tập. Lúc đó bạn sẽ không còn đủ năng lượng để tập đâu. Với lại, bạn còn hẹn hò, đi chơi với bạn bè nữa. Việc nào làm trước được thì làm luôn cho rồi, phải không?

4. Ăn sáng đàng hoàng

Dân văn phòng hay ăn sáng qua loa lắm nha! Nguyên nhân chủ yếu là do các bạn hay “ngủ nướng”. 9g phải vô làm thì thôi ngủ tới 8g30 dậy mặc quần thay áo vẫn còn kịp. Thế là không còn thời gian để ăn sáng luôn.
Làm trong văn phòng, bạn cũng hiểu được là buổi sáng có rất nhiều việc tiêu tốn năng lượng và chất xám. Vậy thì hãy tận dụng khoảng thời gian dư dả do dậy sớm để đi ăn một bữa sáng thật chất lượng nha. Hẹn bạn bè ra ăn tán gẫu cũng được, ăn sẽ ngon hơn đó.

5. Đọc sách

Thường người ta hay khuyên đọc sách vào buổi tối trước khi đi ngủ cho dễ ngủ. Bạn có thể thử đọc sách buổi sáng vài lần cũng thấy thú vị làm sao. Hơn nữa, vào sáng sớm, đầu óc bạn như một tờ giấy trắng vậy đó. Thu nạp kiến thức vào thời gian này sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Mà bạn không cần phải đọc ngấu nghiến gì đâu, một chương sách thôi cũng đủ giúp não khởi động để có một ngày làm việc thật hiệu quả rồi.

6. Viết

Nghe có vẻ lạ, nhưng việc viết một cái gì đó (như status Facebook, nhật ký, tản văn, v.v…) vào buổi sáng sẽ giúp kích thích sự sáng tạo, sức tưởng tượng của bạn. Việc này tốt cho tất cả mọi người, vì bây giờ làm gì cũng cần phải có một chút phá cách để không phải dẫm vào những lối mòn xưa cũ nữa, đúng không?
Vậy thì bạn hãy thử viết vào buổi sáng đi. Viết cái gì cũng được. Đừng nghĩ là viết cho ai đó đọc. Viết cho mình là được rồi. Hãy chờ xem, rồi bạn sẽ trở thành một con người thú vị như thế nào!

7. Nghe nhạc

Tác dụng của âm nhạc lên trí não của con người thì khỏi phải bàn rồi. Hãy khởi động ngày mới của bạn bằng một tí âm nhạc. Bạn có thể kết hợp nghe nhạc trong lúc tập thể dục cũng được. Chúng tôi tin rằng bạn sẽ cảm thấy hứng khởi vô cùng sau khi nghe nhạc đó.

8. Nói “thương” ai đó

Bạn có biết là 7 việc vừa nêu ở trên bạn chỉ làm cho bản thân mình không thôi. Tức là, bạn làm tất cả để cho mình khỏe hơn, đẹp hơn, giỏi hơn. Chắc chắn chỉ với việc hoàn thành 7 việc trên hàng ngày vào mỗi buổi sáng, bạn sẽ trở thành một con người hoàn thiện, vui vẻ hơn.
Tuy nhiên, hãy thử làm một cái gì đó cho một người khác xem sao. Tại vì, làm cho người khác vui cũng chính là cách hữu hiệu nhất tiếp thêm năng lượng cho bản thân đó. Hãy nói “thương” ba mẹ, nói “nhớ” người yêu, nói “cám ơn” với ông bán cà phê gần công ty. Một chút điều nhỏ nhắn như vậy nhưng sẽ tạo ra một nguồn năng lượng vô giá cho bạn và cho cả những người xung quanh nữa.
Theo HR Insider

10 lí do vì sao đọc nhiều đem lại khả năng lãnh đạo tốt

Bạn có biết vì sao thói quen đọc sách sẽ giúp bạn phát triển khả năng lãnh đạo không?
HR Insider
Thói quen đọc sách đang dần mai một trên toàn cầu. Số người có thói quen đọc ít đi dự báo sự thiếu hụt các nhà lãnh đạo trong tương lai. Đọc sách cung cấp nền tảng để trở thành một lãnh đạo giỏi, đó là điều không cần phải tranh cãi. Những lãnh đạo nổi tiếng như Steve Jobs hay Elon Musk rất xem trọng việc xây dựng tư duy bằng cách đọc sách. Dưới đây là những lợi ích mà việc đọc sách mang đến cho khả năng lãnh đạo:

1. Kĩ năng “con người” tốt hơn

Đọc thúc đẩy não bộ kết nối với các nhân vật trong trang sách. Ngay cả khi không đọc đến cuốn sách ấy trong vài ngày, não vẫn tiếp tục tạo ra những liên kết thần kinh với những trải nghiệm và hành vi của các nhân vật này. Qua sự gắn kết với các nhân vật, chúng ta phát triển trí tuệ cảm xúc của mình và liên kết với người khác tốt hơn. Những kĩ năng này rất quan trọng cho việc lãnh đạo vì chúng giúp chúng ta thật sự kết nối với những người xung quanh.

2.  Vốn từ vựng rộng hơn

Đọc nhiều giúp mở rộng vốn từ và cải thiện kĩ năng giao tiếp. Điều này đặc biệt quan trọng khi bạn diễn tả mong muốn hoặc suy nghĩ. Bạn có thể tự đặt ra yêu cầu và tìm kiếm câu trả lời cho chính mình một khi bạn hướng đến việc trở thành một lãnh đạo.

3. Quan điểm toàn diện hơn

Thay vì nhìn thế giới từ một góc phiến diện, người đọc nhiều thường có cái nhìn tổng quan hơn. Thông qua đọc sách, bạn có thể đi đến nhiều nơi trên thế giới, tham gia vào nhiều cuộc đối thoại, và trở thành một phần trong câu chuyện đó. Quan điểm toàn diện không khiến bạn bị giới hạn bởi một góc nhìn cụ thể nào hoặc bị ám ảnh bởi khía cạnh thực tế nào đó của cuộc sống. Hơn thế nữa, bạn sẽ nhìn thấy thế giới như một vùng đất với những thách thức và khả năng vô hạn.

4. Khả năng kết nối tốt hơn

Mọi người thích kết nối và tương tác với những người đọc nhiều vì khả năng giao tiếp cùng vốn từ có chọn lọc của họ. Họ có những đánh giá sâu sắc và hiểu biết tốt trong các cuộc đối thoại. Việc kết nối và tạo dựng mối quan hệ với những người giống mình là bệ phóng lý tưởng hướng đến việc trở thành một nhà lãnh đạo.

5. Thoải mái hơn

Theo một nghiên cứu, đọc sách có thể giúp giảm stress. Khi so sánh với những liệu pháp giảm stress khác như đi bộ, nghe nhạc hoặc uống trà, đọc sách được cho là biện pháp hiệu quả nhất vì nó làm giảm nhịp tim và giải tỏa căng thẳng tạm thời. Với trạng thái “tĩnh” hơn, những người đọc sách thường lạc quan và tập trung cao hơn cho công tác lãnh đạo.

6. Tư duy tốt hơn

Theo nghiên cứu, những người đọc sách là những người suy nghĩ tốt hơn. Vì việc đọc xây dựng cho họ  khả năng tư duy để tìm kiếm nguyên nhân và giải quyết vấn đề. Ngoài ra, đọc về một đề tài mà mà bạn không đồng tình lại có tác động lớn đến cách suy nghĩ của bạn, cả về lập luận logic và sự sáng tạo.

7. Luôn gợi nhớ về quá khứ

Đôi khi, sách cũng như một chiếc gương phản chiếu nhận thức của bản thân. Đọc một cuốn sách nào đó có thể nhắc nhở bạn về những điều bạn từng biết trước đây. Nó sàng lọc những suy nghĩ, nhận thức, và chỉ giữ lại những ý tưởng quan trọng trong tâm trí của bạn.

8. Tràn đầy năng lượng và có mục đích rõ ràng

Đọc sách khiến bạn cảm thấy tràn đầy năng lượng, lạc quan và tự tin. Người đọc sách có sự nhận thức và hình dung tốt hơn các con đường dẫn đến thành công. Đọc sách giúp họ có tư duy sắc bén và chủ động.

9. Duy trì khả năng tập trung cao

Vì đọc sách thường xuyên, những mọt sách có thể duy trì sự tập trung của họ cho cho một dự án dài hạn. Những người này ghét sự xao lãng ngay cả khi họ không phải đọc. Đây cũng là một nhân tố quan trọng cho bất kì nhà lãnh đạo nào.

10. Quản lí thời gian giỏi

Với bất kì người đam mê đọc sách nào, họ luôn có thời gian cho việc đọc. Thay vì ngồi không chờ đợi, đọc sách luôn là một cách hiệu quả để quản lí thời gian và hoàn tất nhiều việc hơn. Bất cứ phút nào bị lãng phí có thể được tận dụng để đọc sách. Nhận thức này cũng tương đồng với tư duy của những nhà lãnh đạo vì họ xem việc tận dụng từng phút một là yếu tố sống còn để đạt được mục tiêu của doanh nghiệp.
Theo HR Insider

7 bí quyết đơn giản để làm việc hiệu quả mỗi ngày

Bạn biết không, có những người cần ít thời gian hơn để hoàn thành nhiều công việc hơn so với người khác? Các chuyên gia nói rằng họ tuân thủ một số chiến lược đơn giản mà tất cả chúng ta cũng có thể áp dụng được. Hãy xem thử nhé.
Đạt được sự tập trung theo một trình tự đơn giản
Hãy cố biến những hoạt động yêu thích vào buổi sáng – như uống trà, đi dạo quanh nhà – thành một nghi thức rũ sạch đầu óc trước khi làm việc. Theo nhà tư vấn điều hành cho các công ty thuộc nhóm Fortune 500 Paul Silverman, dành vài phút để thư giãn và tập trung có thể giúp loại bỏ và thậm chí chống lại những suy sụp về tinh thần. Ông đã vận dụng triết lý thiền Tông Phật giáo để huấn luyện cho các khách hàng phương pháp tập trung: “Mục đích là giúp bạn thở sâu, làm cho bạn cảm thấy dồi dào năng lượng, có ý thức sâu về thực tại, hoàn toàn tập trung và chuyên tâm – đó là kỹ năng mà những người xuất chúng đều có”.

1. Đưa ra một nhiệm vụ rõ ràng và thiết lập những mục tiêu tăng dần để mọi người cùng phấn đấu

Theo Silverman những người dành thời gian tập trung lên kế hoạch rõ ràng trước khi bắt đầu dự án sẽ không bị mất phương hướng hay chần chừ lưỡng lự không biết tiếp tục thế nào. Ông nói rằng “Hãy dành thời gian cần thiết để thảo luận với các đồng nghiệp nhất trí đưa ra một câu ngắn gọn rõ ràng về mục tiêu các bạn cần phải hoàn thành”. Trước khi đưa ra quyết định, các tiêu chuẩn đo lường cũng có thể giúp chúng ta tập trung vào những phần công việc mình phụ trách. Cuối cùng, với một câu nhiệm vụ rõ ràng, bạn cũng sẽ biết khi nào đạt được mục tiêu dự án và hoàn thành công việc.

2. Xử lý những công việc khó khăn trước

Dù là gọi điện cho khách hàng khó chịu hay tổng hợp các số liệu thống kê tạp nham, những người làm việc hiệu quả đều ưu tiên xử lý trước những công việc khó khăn nhất. Việc hoàn thành trước công việc khó khăn và quan trọng nhất trong danh sách những việc cần làm (chiến lược của Brian Tracy trong cuốn sách bán chạy Eat That Frog!) sẽ giải phóng năng lượng tinh thần có thể bị lãng phí khi bạn luôn phải lo lắng về nó. Và điều này cũng khiến phần còn lại trong ngày trở nên dễ dàng xoay xở hơn.

3. Đừng kiểm tra email quá nhiều

Mặc dù thói quen kiểm tra email hàng chục lần trong ngày khá phổ biến nhưng những người làm việc hiệu quả chỉ cần làm việc này rất ít lần. Theo một nghiên cứu gần đây của Đại học British Columbia, những nhân viên được hướng dẫn chỉ kiểm tra email 3 lần/ngày sau một tuần sẽ ít bị áp lực hơn rất nhiều so với những người kiểm tra email thoải mái.
“Những người ít kiểm tra email” có thể trả lời lượng email cũng gần bằng với “những người thường xuyên kiểm tra email” với lượng thời gian ít hơn 20%. Lý do? Tác giả của nghiên cứu này kết luận: “Việc thường xuyên nhìn vào hộp thư làm gia tăng áp lực chứ không phải hiệu quả”. Nếu bạn cần hỗ trợ, hãy thử các phần mềm khoá internet như Self-Control hay Freedom để khoá kết nối internet đến 24 tiếng.

4. Nghỉ giải lao giữa những giờ làm việc

Theo Tony Schwartz, tác giả kiêm nhà sáng lập The Energy Project, con người thường chuyển từ trạng thái tỉnh táo sang mệt mỏi trong vòng sinh học 90 phút. Bản thân Schwartz cũng từng dành 10 tiếng liên tục trong ngày để viết sách. Nhưng sau khi biết cách sử dụng năng lượng của mình hiệu quả hơn, bây giờ ông chỉ tập trung viết 3 đợt 90 phút, xen giữa là thời gian tập thể dục và gặp gỡ giao lưu, điều này đã nâng gấp đôi hiệu quả làm việc của ông. Trước đây phải mất cả năm ông mới hoàn thành một bản thảo thì bây giờ ông chỉ cần 6 tháng để viết xong ngay một cuốn sách – cuốn sách bán chạy do tờ New York Times xuất bản The Way We’re Working Isn’t Working.

5. Vận động một chút sau khi ăn trưa

Đi dạo bên ngoài văn phòng cũng giúp nâng cao hiệu quả: những nhân viên đi bộ 30 phút sau khi ăn trưa sẽ trở về làm việc với tinh thần phấn chấn hơn và có khả năng đối mặt với áp lực hơn, theo một nghiên cứu gần đây của Đại học Birmingham. Cần có hứng khởi hơn? Hãy viết lời khuyên của nhà triết học Soren Kierkegaard ở bàn làm việc: “Tôi đã đi vào những suy nghĩ sâu sắc nhất của bản thân, và nhận ra rằng không có suy nghĩ nào nặng nề đến mức không thể bị dứt bỏ”.

6. Hãy ưu tiên ngủ đủ

Theo Trung tâm kiểm soát dịch bệnh, hơn 1/3 người Mỹ bị thiếu ngủ và tờ Harvard Medical School cho rằng việc mất ngủ đã làm nền kinh tế Mỹ mất năng suất hiệu quả tương đương 63,2 tỷ USD/năm. “Dù có cố gắng chú tâm bao nhiêu, thiếu ngủ cũng làm bạn mất tập trung chú ý và năng lượng”, theo Silverman. “Điều này có tác động đến mọi lĩnh vực cuộc sống. Nếu muốn thức dậy lúc 7 giờ sáng, bạn phải đi ngủ lúc 11 giờ hôm trước. Không cần tính toán gì nhiều”. Và vì những thiết bị đọc điện tử hay máy tính làm ảnh hưởng đến giấc ngủ, các chuyên gia khuyên bạn nên đọc sách giấy trước khi đi ngủ.

7. Rút kinh nghiệm từ thất bại, rồi tiếp tục tiến lên

Với phương châm kaizen, triết lý liên tục đổi mới của người Nhật, những người làm việc hiệu quả có sở trường phân tích nguyên nhân thất bại khi xem xét phiên bản lỗi hoặc khi trò chuyện với đồng nghiệp. Nhưng thay vì nhắc đi nhắc lại sai lầm, họ chỉ đơn giản đưa ra quyết tâm “làm tốt hơn, hoặc thay đổi tốt hơn cho lần sau”, theo Silverman. “Họ có khả năng liên tục cải tiến để làm việc tốt hơn và tự hỏi “Tôi có thể học được gì từ việc này? Tôi có thể làm tốt hơn ở chỗ nào?”.
Kiều Linh (Theo LifeHack)

6 bí quyết của một người “làm ít được nhiều”

Chỉ trong hôm qua tôi đã du hành qua hai đất nước, hoàn tất ba dự án cho khách hàng, thỏa thuận thành công với một đối tác mới, và về nhà cùng nấu bữa tối với “người quan trọng” của tôi.
Tôi làm việc khoảng 25 giờ mỗi tuần, ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày, thỉnh thoảng nghỉ phép đột xuất nhưng vẫn hoàn thành nhiều việc hơn hẳn trước đây, lúc còn cặm cụi ở văn phòng mỗi tuần hơn 60 tiếng.
Dĩ nhiên tôi không phải siêu nhân. Những gì tôi vừa kể cũng chẳng phải để khoác lác.
Bạn thấy đó, hơn một năm làm việc tự do đã dạy tôi những bài học quý giá về quản lý hiệu suất công việc và thời gian. Những bí quyết dưới đây có vẻ rất đơn giản. Nhưng một khi thực sự áp dụng, bạn sẽ nhận thấy mình ngày càng tốn ít thời gian để hoàn thành công việc.

1.  Tận dụng hiệu ứng Zeigarnik

Bộ não bạn được tạo nên với một chức năng khá “phiền toái”, đó là không ngừng nhắc nhở bạn về những việc còn dang dở để thúc đẩy bạn hoàn thành. Chức năng này còn gọi là “hiệu ứng Zeigarnik”, và nhiệm vụ của nó là giúp bạn hoàn tất những gì bạn đã bắt đầu.
Vì vậy, bất kể bạn cảm thấy như thế nào về công việc phải làm, hãy bắt đầu thực hiện nó, ít nhất là một bước nhỏ.
Viết lách là việc của bạn? Hãy mở một tập tin trống và gõ bất cứ điều gì bạn thích. Cần lên kế hoạch đám cưới? Hãy thử xem qua vài thiết kế hoa cầm tay. Mai là hạn chót nộp kế hoạch tiếp thị? Hãy viết ngay dăm ba ý tưởng phim quảng cáo vừa nghĩ đến.
Trong 99% trường hợp, bạn sẽ hoàn tất công việc một khi đã khởi đầu.

2. Sử dụng công cụ quản lý dự án (cho cả những công việc ngoài kinh doanh)

Bộ não chúng ta không ưa việc phức tạp. Khi phải đối mặt với những nhiệm vụ như “lên chiến dịch tiếp thị trong tháng”, não lập tức nản lòng. Nó thích những việc quen thuộc và ít phải “động não” hơn.
Đó là lý do bạn cần chia công việc lớn thành nhiều bước nhỏ, đơn giản và dễ hoàn thành.
Nhưng hẳn bạn không muốn bỏ lỡ bất kỳ bước nào quan trọng? Đây là lúc cần đến các công cụ quản lý dự án.
Có rất nhiều ứng dụng quản lý dự án cá nhân dành cho bạn. Miễn phí có, tốn phí có. Riêng tôi cảm thấy mình làm việc tốt nhất với ứng dụng trực quan “Casual project management”.
Cái hay của ứng dụng này là bạn có thể cấu trúc mọi thông tin theo cách não suy nghĩ – theo kiểu mạng lưới hơn là đường thẳng. Thay vì vẽ sơ đồ công việc với các bước diễn ra tuần tự, bạn có thể tạo nên hình ảnh một dự án lớn với vô số hành động xảy ra đồng thời hoặc nối tiếp.
Nói cách khác, trong nháy mắt bạn có thể vẽ bản đồ toàn bộ công việc, được chia thành nhiều bước nhỏ dễ hoàn thành và hướng thực hiện để đạt mục tiêu.
Dưới đây là ví dụ:

Tại sao công cụ trực quan hóa công việc lại hữu ích với tôi (và có thể cả với bạn)?
–    Bạn luôn biết phải làm gì tiếp theo nên không có cơ hội cho bộ não tìm cách trì hoãn.
–    Bạn hình dung rõ toàn bộ mục tiêu trong nháy mắt.
–    Bạn lập kế hoạch toàn bộ công việc dễ như vẽ nó ra trên giấy (cách tôi thường làm trước đây).
–    Nếu bạn làm việc theo nhóm, bạn luôn biết phải hành động như thế nào trong từng thời điểm. Đồng nghĩa với ít thất bại và bớt trễ hạn.
Tôi cũng từng thử và thích một vài ứng dụng phi trực quan phổ biến khác như Basecamp, Podio, Trello và Microsoft Project.

3. Thay đổi thói quen

Ngày nay chúng ta dễ dàng tìm được hướng dẫn thực hiện mọi công việc. Nhưng bao nhiêu người trong chúng ta thực sự biến lời khuyên thành hành động? Phải, tôi cũng không ngoại lệ.
Chúng ta đều có những thói quen và phần lớn rất khó thay đổi. Nhưng có một giải pháp thông minh để thay đổi thói quen được gọi là “Vòng lặp thói quen” do Charles Duhigg giới thiệu trong cuốn The Power of Habit. Nói ngắn gọn, một thói quen được tạo nên bởi ba thành phần: tín hiệu (yếu tố “kích hoạt” thói quen), lề thói (hành động thực tế diễn ra), và phần thưởng (sự tưởng thưởng mà bạn nhận được – bên ngoài hoặc nội tại – nhờ thực hiện đều đặn các lề thói).
Tin xấu là bạn không thể thay đổi các “tín hiệu” kích hoạt thói quen. Nhưng tin tốt là bạn vẫn có thể từ bỏ thói quen có hại bằng cách phá vỡ các “lề thói” hàng ngày.
Lấy trường hợp của tôi làm ví dụ. Tôi biết mình không nên cứ cắm mặt vào mạng xã hội từ sáng sớm. Bản thân phần “tín hiệu” trong thói quen này – chia sẻ bài viết mới trên mạng xã hội – không phải xấu. Nhưng việc đó sẽ khiến tôi nhanh chóng bị cuốn vào chuyện lướt web một cách vô thức, và cả ngày còn lại xem như đi tong.
Giải pháp: tôi thu xếp cập nhật bài viết lên mạng xã hội từ đêm hôm trước. Cụ thể hơn, lên lịch chính xác thời điểm để làm việc này và thực hiện hàng ngày.
Bạn có thể áp dụng giải pháp tương tự cho bất kỳ “tín hiệu” nào dẫn đến một thói quen tiêu cực.
Và mỗi lần bạn nỗ lực đạt được một “lề thói” mới, đừng quên tự thưởng cho chính mình. Hãy dự trù một “nghi thức” đặc biệt để ưu ái bản thân, một buổi lướt web thả dàn, tiền mặt, kẹo bánh, hoặc bất cứ thứ gì phù hợp, dễ làm mà bạn thích.
Lặp đi lặp lại “lề thói” mới trong khoảng 21 ngày cho đến khi thói quen mới hình thành.

4. Áp dụng “luật 90 phút”

Khoảng 50 năm trước, Nathaniel Kleitman khám phá ra mức độ tỉnh táo của cơ thể chúng ta sẽ thay đổi từ cao đến thấp cứ mỗi 90 phút trong ngày. Hiện tượng này còn gọi là “nhịp điệu ultradian”. Nói đơn giản – chúng ta có thể đạt năng suất làm việc tối đa chỉ trong mỗi chu kỳ 90 phút.
Điều gì sẽ xảy ra sau 90 phút? Chúng ta bắt đầu tìm cách nạp thêm năng lượng bằng cà phê, đồ ngọt hoặc các hócmôn gây stress của cơ thể như adrenalin, noradrenalin và cortisol. Lúc này, chúng ta bắt đầu mất tập trung, ngừng suy nghĩ rõ ràng và không còn khả năng nhận thức tổng quát.
Hãy cùng nhìn lại ngày hôm qua của tôi. Tôi đến sân bay sớm và làm việc tại quán cà phê trong 90 phút trước khi bay (không có Wi-Fi). Suốt chuyến bay tôi xem phim, và trở lại làm việc trên chuyến xe lửa từ Thụy Sĩ sang Pháp. Trở về nhà tôi nhanh chóng kiểm tra email, ăn tối và tiếp tục làm nốt việc trong vài chu kỳ 90 phút nữa.
Kết quả, chỉ trong hơn 4,5 tiếng, tôi đã thu xếp xong lượng công việc mà trước đây thường mất hơn 8 tiếng mới hoàn thành.

5. Lập danh sách công việc ưu tiên

Một nhân viên Lầu Năm Góc đã tóm tắt nguyên tắc này trong vài dòng xuất sắc:
“Đầu tiên tôi lập một danh sách ưu tiên theo thứ tự: một, hai, ba… Sau đó tôi gạch bỏ mọi thứ từ ba trở xuống.”
Đó là nguyên tắc vàng cho mọi danh sách công việc hàng ngày. Mọi việc có thứ tự sau “ba” sẽ được làm vào ngày mai.
Phải làm gì nếu khó xác định mức độ ưu tiên của các công việc?
– Hiểu được mối tương quan giữa các công việc. Liệu bạn có thể làm việc A mà bỏ qua việc B? Nếu không thể, điều đó chứng tỏ việc B quan trọng hơn. Hãy tập trung vào những việc ảnh hưởng nhiều hơn đến thành công của bạn.
– Sử dụng ma trận quyết định.
Những việc được xếp vào góc trên bên phải ma trận nên được dán nhãn “làm ngay lập tức”. Những việc “có ảnh hưởng lớn” hoặc “khó làm” cần phối hợp với các việc dễ làm hoặc ít quan trọng hơn. Những việc “nhỏ” hoặc “dễ làm” có thể giao cho người khác hoặc thuê ngoài.
–  Mẹo nhỏ: Ứng dụng “Casual project management” vừa giới thiệu tính năng mới giúp bạn sắp xếp công việc theo thứ tự ưu tiên rất nhanh chóng. Bạn không còn phải nhức đầu suy nghĩ, chỉ cần làm theo hướng dẫn (cách này hoàn hảo với tôi).
6.    Làm việc  “tại sân bay”

Bạn có biết đâu là nơi cuối cùng giúp tôi tối ưu hóa hiệu suất công việc? Sân bay và máy bay.
Tôi thường chọn các chuyến bay có chuyển tiếp hơn bay thẳng và xoay sở để làm được nhiều việc hơn trong thời gian bay (điều này còn giúp tôi tiết kiệm hơn 100 đô la Mỹ).
Để tôi giải thích.
Bạn chỉ có một khoảng thời gian nhất định trong khi chờ chuyến bay kế tiếp. Wi-fi miễn phí ở sân bay hay thời gian bay đều giới hạn. Nghĩa là bạn có 90 phút làm việc “nước rút” để đạt đến năng suất tối ưu.
Bạn không bị xao nhãng khi đang ngồi trên máy bay. Điện thoại tắt, internet tắt. Những gì bạn có thể là làm việc thật hiệu quả trong thời gian “nước rút”. Thỉnh thoảng tôi tự tạo môi trường tương tự tại nhà bằng cách ngắt mọi kết nối và chỉ làm việc trong vòng 90 phút.
Tóm lại, đây chính xác là những cách bạn có thể thực hiện để làm ít hơn mà vẫn hoàn thành nhiều hơn.
–    Làm bước đầu tiên trong công việc và để Hiệu ứng Zeigarnik giúp bạn hoàn tất mọi thứ.
–    Tận dụng lợi thế của các công cụ quản lý dự án để giúp công việc luôn rõ ràng và tập trung.
–    Theo dõi các “tín hiệu” của thói quen và biến chúng thành thói quen tích cực.
–    Loại bỏ xao nhãng bằng cách lên kế hoạch cho “những ngày ở sân bay”
Hãy vui vẻ làm ít hơn và đạt được nhiều hơn nữa!
Thảo Nhiên (Theo Huffing Post)

4 câu hỏi giúp bạn giải quyết nhanh gọn “núi” công việc của mình

Mỗi ngày bạn phải giải quyết bao nhiêu là việc: việc ở cơ quan, việc làm thêm, kiểm tra email, gặp gỡ bạn bè, chăm sóc gia đình. Núi công việc này khiến bạn căng thẳng, mệt mỏi và cảm thấy 24 giờ mỗi ngày là không đủ cho bản thân.
overload working
Đừng bùng nổ! Hãy tự hỏi bản thân 4 câu hỏi sau, chúng sẽ giúp bạn xử lý tình trạng quá tải của mình một cách nhanh gọn.

1. Ngay lúc này việc gì cần ưu tiên hơn cả?

Liệt kê ra tất cả những công việc bạn cần làm và quyết định xem việc nào quan trọng nhất, việc quan trọng tiếp theo là gì? Những việc nào có thể dời qua ngày mai để giải quyết? Chia bảng công việc của bạn làm 4 mục: việc cần làm ngay, việc cần làm hôm nay, việc cần làm trong tuần, việc có thể làm sau. Hoãn lại danh sách việc cần làm trong tuần và việc có thể làm sau cho đến khi 2 mục quan trọng kia đã được giải quyết xong.

2. Tôi cần tốn bao nhiêu thời gian để làm tất cả những việc này?

Hãy tính toán thời gian hợp lý để có thể hoàn tất công việc và phân bổ công việc thật khoa học. Bạn có thể áp dụng phương pháp này: làm những việc sẽ tốn nhiều thời gian của bạn nhất trước, xong mới đến những việc cần ít thời gian hơn. Hoặc bạn cần sắp xếp thời gian và thứ tự công việc của mình, ví dụ như công việc nào đòi hỏi sự tập trung cao độ nhất để lên đầu tiên và làm vào buổi sáng, việc nào bạn có thể giải quyết ngay trong giờ nghỉ trưa, việc nào có thể làm sau buổi chiều, việc nào có thể làm trong khi bạn đang trên taxi đến buổi hẹn… Có rất nhiều thời gian trống để bạn tận dụng để giải quyết công việc của mình: trên taxi, chờ xe bus, xếp hàng mua vé…

3. Cách làm việc nào với tôi hiệu quả nhất?

Mỗi người sẽ có cách xử lý danh sách những việc cần làm của mình khác nhau, có người chọn việc khó nhất và tốn nhiều thời gian nhất để làm đầu tiên, có người lại chọn giải quyếtnhững việc nhỏ, lắt nhắt trước khi toàn tâm toàn ý bắt tay vào công việc quan trọng nhất. Có người thích làm việc vào sáng sớm, có người lại làm việc hiệu quả nhất vào đêm muộn. Bạn là người hiểu mình làm việc hiệu quả nhất vào thời gian nào, cách nào tốt nhất với bạn, hãy làm theo cách của mình và hãy bắt tay làm ngay, đừng tốn quá nhiều thời gian để lên kế hoạch và quyết định.

4. Giờ tôi phải làm gì để bớt căng thẳng đây?

Có quá nhiều việc để làm và bắt mình chỉ làm, làm và làm không phải là môt ý kiến hay. Một ly café hay một vài động tác yoga giữa giờ có thể giúp bạn tập trung trở lại và tạo động lực giải quyết tiếp sớ công việc cần làm.
Hãy dành 15 phút để nghỉ ngơi: đi bộ, uống café, tán gẫu cùng đồng nghiệp… Bạn sẽ không bao giờ phải than thở “Tôi có quá nhiều việc đến nỗi không có đủ thời gian để ăn trưa nữa”.
Sang Tran (Theo HR Insider)

6 nỗi sợ không nên có khi nhảy việc

Nhảy việc là quyết định chưa bao giờ dễ dàng. Không ai muốn phải làm công việc mà mình không thích suốt cuộc đời, dù công việc đó có đem lại tiền bạc hay nhiều danh vọng cho họ. Nếu bạn phải ra quyết định giữa việc ra đi và ở lại, đừng để 6 nỗi sợ này ảnh hưởng đến bạn.
nhay viec

1. Bắt đầu lại từ đầu

Đây là nỗi sợ to lớn của bất cứ người nhảy việc nào. Phải bắt đầu lại từ đầu tại một công ty mới chưa bao giờ là điều dễ dàng, nhất là khi bạn đã có một chỗ đứng và tầm ảnh hưởng nhất định tại công việc cũ. Nỗi sợ này đến từ việc thiếu tự tin và sợ thất bại. Nếu bạn có kỹ năng “thích nghi” tốt, nỗi sợ này sẽ không tồn tại. Nếu bạn là tuýp người khó kết thân với người mới, đừng để nó ảnh hưởng đến bạn. Bất cứ điều gì cũng phải có quá trình, hãy bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân và đón nhận những thử thách và người bạn mới. Thế giới đang thay đổi không ngừng, và đổi việc chỉ là một việc làm tất yếu sẽ xảy ra với bất kỳ người nào.

2. Quyết định sai lầm

Mọi quyết định đều có thể sai lầm, nếu bạn lo lắng và mơ hồ rằng có nên chuyển việc hay không, hãy tham khảo ý kiến của bạn bè, những người có nhiều kinh nghiệm hơn bạn, hoặc có thể làm các bài trắc nghiệm nghề nghiệp. Trước khi quyết định, xem lại một lần các phương án mà bạn không chọn để chắc chắn rằng bạn đang chọn phương án tối ưu nhất.
Bên cạnh đó, hãy chuẩn bị cho mình kế hoạch dự phòng. Bạn đã đủ tài chính để đảm bảo cho những ngày tìm công việc mới? Bạn đã nói chuyện với những người quen có thể giúp bạn có một công việc nhanh chóng? Hãy nhớ, kế hoạch dự phòng này nhằm giúp bạn đối phó với tình huống xấu nhất có thể xảy ra, chứ không phải là lý do để bạn biện minh cho việc bạn không dám đổi việc vì tình huống xấu này.

3. Lương thấp hơn công việc cũ

Đây có lẽ là mối bận tâm của tất cả mọi người. Tất nhiên chúng ta chỉ đổi việc khi mức lương của công việc mới cao hơn, thế nhưng trong vài trường hợp đặc biệt bạn sẽ nhận mức lương thấp hơn công việc hiện tại. Lúc này bạn nên xem xét điều gì quan trọng hơn với bạn: tiền bạc hay niềm vui khi làm công việc mình thích? Nếu bạn chọn công việc mới và quyết định theo đuổi nó, hãy chuẩn bị tài chính thật tốt, và bạn sẽ nhận lại được những gì mà tiền bạc không thể đánh đổi.

4. Thất bại trong công việc mới

Bạn muốn đổi một công việc khác hoàn toàn công việc cũ, và bạn hầu như không có nhiều kinh nghiệm cho công việc mới. Bạn e ngại sẽ chẳng có nhà tuyển dụng nào tuyển bạn khi bạn chưa hề thực tập hay làm tình nguyện công việc đó. Đừng lo lắng, các nhà tuyển dụng tuyển bạn vì bạn là ai và bạn sẽ gặt hái được gì trong công việc mới hơn là những gì bạn đã biết. Những phẩm chất này rất khó kiếm được ở ứng viên nên nếu bạn sở hữu phẩm chất này, bạn sẽ nhận được điểm cộng lớn từ nhà tuyển dụng. Và hãy tập trung phát triển các kỹ năng mềm của bạn, bất kỳ công việc nào cũng cần những kỹ năng này.

5. Làm buồn lòng người khác

Quyết định nhảy việc của bạn ít nhiều sẽ bị soi mói bởi những người khác, hoặc vấp phải sự không đồng ý của gia đình, hoặc những đồng nghiệp cũ và sếp khuyên bạn đừng đi… Thế nhưng cuộc sống là của bạn và chỉ mình bạn phải chịu trách nhiệm cho nó, dù tốt hay xấu. Hãy cân đo lời khuyên của ai sẽ ảnh hưởng đến bạn nhiều hơn, lời khuyên của bạn bè sẽ không ảnh hưởng nhiều bằng lời khuyên của gia đình. Dù vậy người ra quyết định sau cùng vẫn là bạn.

6. Bạn đã quá già để nhảy việc

Thành công ở mỗi người không phụ thuộc vào tuổi tác của họ. Và nhảy việc xảy ra ở mọi người và mọi lứa tuổi. Công ty nào cũng có các chế độ bảo hiểm và phúc lợi, bạn không cần phải lo lắng những vấn đề này. Quan trọng nhất là bạn không phải hy sinh hạnh phúc và niềm vui của mình để làm những việc mà bạn không thích.
Lời kết: Nỗi sợ là rào cản lớn nhất giữa bạn và công việc mà bạn yêu thích. Hãy tìm hiểu nỗi sợ của bạn là gì và tìm cách đối diện chúng. Một khi bạn đã biết nguyên nhân, ắt hẳn sẽ có cách giải quyết.
Sang Tran (Theo HR Insider)

7 lý do bạn chưa được tăng lương

Vì sao bạn làm việc tốt mà đợi mãi vẫn chưa thấy được tăng lương?
Vì sao mãi chẳng được tăng lương?
Bạn làm việc chăm chỉ, hoàn thành mọi nhiệm vụ, luôn có tinh thần trách nhiệm cao với công việc và nỗ lực cống hiến hết mình cho công ty. Bản đánh giá năng lực cuối năm cũng không hề chỉ ra bất cứ điểm yếu nào. Bạn dường như là một nhân viên lý tưởng. Nhưng, vì một lý do nào đó, bạn vẫn chưa được nâng lương.
Điều này thật khó khăn, đặc biệt là khi bạn rất trông chờ vào khoản thu nhập thêm. Không được tăng lương khiến bạn cảm thấy hoang mang về hiệu quả công việc và cả về sự nghiệp của mình. Nhưng trước khi bạn tự đắm mình vào hố sâu của sự chán nản, hãy lùi lại một bước và tìm hiểu tại sao bạn vẫn chưa được nâng lương. Dưới đây là một số khả năng có thể khiến bạn chưa được nâng lương, và không phải mọi khả năng đều vì biểu hiện trong công việc của bạn.

1. Bạn không hề hỏi

Lý do đầu tiên và rõ ràng nhất cho thấy vì sao bạn không được tăng lương đó là bạn không hề yêu cầu. Đối với nhiều nhân viên văn phòng, việc yêu cầu được nâng lương khiến họ cảm thấy không thoải mái; họ sợ bị bác bỏ hoặc sợ sếp của họ sẽ cảm thấy họ là người tham lam. Mặc dù nhiều công ty rất quan tâm đến nhân viên và thưởng cho những đóng góp của nhân viên bất cứ khi nào có thể, họ vẫn đặt vấn đề chi phí và lợi nhuận lên hàng đầu. Nếu bạn không dứt khoát yêu cầu được nâng lương, sếp của bạn sẽ cho rằng bạn đã thỏa mãn với mức lương hiện tại.
Hướng giải quyết: Rất đơn giản, tự đưa ra một yêu cầu được nâng lương.

2. Bạn chưa chuẩn bị sẵn sàng

Cũng có thể bạn đã hỏi trực tiếp sếp để được nâng lương, tuy nhiên bạn chưa chuẩn bị đầy đủ thông tin để trình bày lý do bạn yêu cầu như vậy. Nếu bạn chỉ đến trước mặt sếp và nói “Hãy tăng lương cho tôi” nhưng không hề đưa ra được bất cứ lý do gì để cho thấy yêu cầu của mình có lý, lời đề nghị của bạn sẽ bị bác bỏ lập tức.
Hướng giải quyết: Trước khi đến gặp sếp, hãy chuẩn bị thật kĩ càng nhiều thông tin càng tốt. Đồng thời, những thông tin này phải rõ ràng, có cả số liệu chứng minh kèm theo.

3. Bạn chỉ hoàn thành tốt công việc của mình

Có thể bạn luôn có mặt đúng giờ, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao và ra về đúng giờ. Nhưng như thế chỉ dừng lại ở mức nhân viên bình thường, không phải xuất sắc. Nhân viên bình thường thì lương cũng nằm ở mức bình thường. Những nhân viên xuất sắc là những nhân viên thường đi sớm về khuya nếu cần thiết, hoàn thành không những chỉ nhiệm vụ của mình mà còn hỗ trợ người khác với công việc của họ, bên cạnh đó luôn sáng tạo và đóng góp những ý kiến mới cho tập thể.
Hướng giải quyết: Đừng chỉ làm việc “đủ” mà hãy làm việc “xuất sắc”. Nó có thể không khiến bạn được nâng lương ngay lập tức, nhưng qua một thời gian nếu bạn luôn cố gắng, bạn sẽ nhận được kết quả tương xứng.

4. Bạn đưa ra những lý do quá cá nhân

Bạn yêu cầu được nâng lương vì những lý do như phải hỗ trợ gia đình, phải trả tiền thuê nhà… Nhà tuyển dụng sẽ chẳng bao giờ quan tâm đến những lý do như vậy. Họ chỉ trả lương cho bạn đúng với những gì bạn cống hiến cho công ty, không phải đáp ứng với những nhu cầu của bạn.
Hướng giải quyết: Đừng đưa ra những lý do cá nhân. Vấn đề không phải là bạn cần tiền, mà là bạn có xứng đáng với mức lương đó hay không. Và chỉ có thể chứng minh điều đó qua thực tế.

5. Bạn không cho người khác thấy được những thành tích của mình

Bạn đã làm việc rất chăm chỉ trong suốt một năm qua, nhưng nếu bạn không cho sếp và đồng nghiệp thấy được những thành tích bạn đạt được, thì cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi bạn không được tăng lương.
Hướng giải quyết: chuẩn bị sẵn những tài liệu và con số cụ thể để chứng mình cho nhà tuyển dụng những thành tích bạn đạt được. Thay vì chỉ nói suông rằng “Tôi đã viết được nhiều bài đăng tốt”, hãy nói “Tôi viết được 100 bài đăng, những bài viết này đã thu hút được hơn 30% lượt người xem.”

6. Bạn chỉ dậm chân tại chỗ

Qua một thời gian làm việc, bạn vẫn chỉ như những ngày đầu mới vào công ty. Vẫn những kiến thức đó, vẫn những kĩ năng đó, không có gì đổi mới. Vậy tại sao nhà tuyển dụng phải tăng lương cho một nhân viên chẳng có gì khác biệt so với ban đầu?
Hướng giải quyết: Hãy tích cực học hỏi thêm nhiều kĩ năng từ đồng nghiệp, tham gia nhiều khóa học để làm tăng giá trị của bản thân.

7. Bạn không phải là một thành viên tích cực

Nếu bạn có thói quen hay than phiền hoặc lan truyền những điều tiêu cực trong nội bộ công ty, bạn sẽ không được nhà tuyển dụng xem trọng cho dù bạn có hoàn thành tốt công việc của mình như thế nào đi nữa. Công ty muốn đãi ngộ những nhân viên có thể đóng góp tích cực cho tập thể, làm tập thể tốt hơn chứ không phải xấu đi.
Hướng giải quyết: biến những điều tiêu cực thành tích cực. Thay vì than phiền, hãy suy nghĩ xem làm cách nào để hỗ trợ đồng nghiệp khắc phục hậu quả, làm tình hình trở nên tốt hơn. Công nhận thành tích của những đồng nghiệp khác và học tập từ họ.
Một khi bạn đã hiểu được lý do tại sao mình không được nâng lương, mọi việc sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Nó giúp bạn biết mình cần phải làm gì trong giai đoạn tiếp theo để cải thiện tình hình.
Huyền Vũ (Theo HR Insider)
 
Copyright © 2014 Fomica Sharing.