DÁM
THẤT BẠI
VÀ
VƯỢT QUA THẤT BẠI
Bài: Văn Chiến & Ảnh: Văn
Chức
“Thành công trong quá khứ, chưa
chắc sẽ thành công trong tương lai. Nhưng thất bại trong quá khứ và học hỏi từ
thất bại thì mới có thể có hy vọng đạt được thành công lớn”.
Đó là lời mở đầu của
Thạc sĩ Trần Đình Dũng - Giám đốc Trung tâm phát triển nguồn nhân lực Khuê Văn
- khi trình bày đề tài: “Dám thất bại và vượt qua thất bại” tại Trung tâm Mục vụ
TGP TPHCM lúc 14g30 ngày 13/10/2012.
Thất bại - vị khách
không mời mà tới
Theo ông, chúng ta
thường nghe và thấy những câu chuyện thành công, về những thời khắc tốt đẹp và
thuận lợi... nhưng thất bại được ví như một vị khách không mời mà tới. Tuy chúng ta
không bao giờ hoan nghênh chào đón nhưng vị khách ấy vẫn cứ mò đến, bất kể chúng ta đang ở đâu, vào bất cứ
lứa tuổi nào. “Thất bại” được xem như đồng nghĩa với “tệ hại” mà chúng ta cần
phải tránh nó! Do đó, khi đối mặt với thất bại, mỗi người có một cách ứng xử
khác nhau: có người bỏ chạy, có người quay mặt đi, có người buông xuôi, và có
người chấp nhận rồi đón nhận. Dù muốn dù không, thất bại luôn ở bên cạnh chúng
ta, luôn rình rập chúng ta, đợi lúc chúng ta sơ hở là nhảy ngay vào cuộc sống của
chúng ta. Chấp nhận thực tế không như mong muốn, bằng lòng với những thất bại,
đổ vỡ luôn là điều rất khó đối với nhiều người.
Thực
tế cho thấy, khi thành công có thể làm cho chúng ta dễ xa nhau, nhưng thất bại
sẽ giúp chúng ta dễ gần nhau hơn. Thất bại để chúng ta có điều kiện nhìn lại
chính mình, cùng nắm tay nhau, suy gẫm nguyên nhân của thất bại mà đứng dậy đi
tới tương lai. Nguy hiểm nhất là khi thất bại, chúng ta không chịu nắm tay nhau
để vượt qua thất bại.
Ông
quảng diễn thêm: “Người khùng là người lập đi lập lại một sai lầm đã phạm. Người
giỏi là người biết rút kinh nghiệm sau khi gặp thất bại, và cảnh báo để mọi người
không gặp thất bại như mình đã phạm”.
Vượt qua thất bại bằng
con tim
Trả lời câu hỏi của
Anh Giuse Nguyễn Ngọc Hùng về việc các sếp trong công ty thường dùng việc hứa hẹn
tăng lương để yêu cầu nhân viên tích cực làm việc nhiều hơn! Thạc sĩ Dũng đặt vấn
đề: Thị trường Việt Nam
là thị trường cảm tính. Nhân viên Việt Nam đi làm bằng trái tim. Vì thế,
chỉ người lãnh đạo bằng trái tim mới đi đến thành công. Người lãnh đạo tốt là
người có trái tim và dẫn nhân viên đi bằng cái đầu.
Cũng vậy, ông Khuyên
Cô Maria Nguyễn Thị Thu Hương khi đặt vấn đề làm sao để có thể chịu được tính
nóng nẩy của người thân trong gia đình, là hãy biết tránh khỏi tâm bão, không
nên đối đầu với người đang nóng, nhưng hãy hành xử bằng con tim, để chuyển hóa
cơn nóng thành những công việc tích cực.
Vượt qua thất bại bằng
hạnh phúc chính mình
Cô Anna Hà Tú Linh đã
bộc bạch những suy nghĩ, những ưu tư và sự mệt mỏi của mình sau thời gian cống
hiến cho cơ quan, trường học và bạn bè, nhưng không nhận lại được gì! Ông Dũng
đã nêu lên những hạnh phúc, niềm vui... cô đã cảm nhận được khi cống hiến cho mọi
người. Vì thế, thành công là công việc nhưng hạnh phúc là sự sống. Do đó, chúng
ta đừng tự thất bại khi đánh mất hạnh phúc mình đang có và đáng được hưởng.
Cũng vậy, khi thất bại chúng ta không nên mất tự tin, vì thất bại là một phần
thiết yếu của cuộc sống, là điều kiện để bồi đắp sự tự tin và hướng đến thành
công.
Tự tin sẽ giúp ta hành động hay làm một điều gì đó tốt đẹp khi ta còn có thể
làm, còn có thể thay đổi hay cứu vãn.
Lời kết
Cuối cùng, ông đã đưa
ra qui trình để mọi người nhanh chóng thích nghi với những thay đổi, thành công
hay thất bại trong cuộc sống, đó là các bước: Form (hình thức) - Storm (xung đột)
- Norm (đồng thuận) - Perform (thực hiện). Tuy nhiên, mỗi khi có sự thay đổi,
chúng ta phải khởi đầu lại từ chữ Form... Vì thế, mình cần có đủ tình yêu, nỗi
đam mê và một tâm hồn trong sáng để nhanh chóng thích nghi và vượt qua, cần sự
đồng thuận với nhau để đạt đến mục tiêu: Dám thất bại và vượt qua thất bại.