BREAKING NEWS
Chia sẻ là niềm vui

Friday, June 28, 2013

THẾ HỆ TRẺ BÂY GIỜ KHÔNG MẶN MÀ VỚI TOÁN

Rất đông học sinh giỏi chen  chân thi vào chuyên Toán ở bậc THPT, nhiều học sinh đoạt giải Toán quốc gia và Olympic quốc tế nhưng không mấy ai trong số đó tiếp tục theo đuổi việc nghiên cứu môn khoa học cơ bản này ở bậc học cao hơn. 

Đóng cửa vì không có người học  
GS Nguyễn Đình Trí, trường ĐH Bách khoa Hà Nội, bày tỏ: “Trăn trở nhất của chúng tôi là trong vòng 10-15 năm gần đây chất lượng đào tạo cử nhân toán học rất thấp. Hệ đào tạo cử nhân tài năng về toán học của trường tôi chỉ có khóa đầu tiên là có chất lượng cao thực sự. Những năm sau thì chất lượng đầu vào càng thấp hẳn. Ngay cả khoa Toán - Tin cũng không có người thực sự giỏi toán theo học”. GS Lê Văn Thuyết, giảng viên Đại học Huế chia sẻ: “Thế hệ trẻ bây giờ không mặn mà với toán đến nỗi điểm tuyển vào khoa Toán trường tôi chỉ bằng điểm sàn mà vẫn không đủ chỉ tiêu”.
Tình hình tuyển sinh ngành SP Toán của trường ĐH Sư phạm TP.HCM có sáng sủa hơn nhưng thạc sĩ Tạ Quang Lâm, Phó phòng Đào tạo của trường thừa nhận: “Sở dĩ ngành SP Toán của trường vẫn thu hút thí sinh vì học SP Toán ra các em có thể kiếm sống dễ hơn nhờ vào việc dạy thêm. Một tiết dạy thêm của giáo viên toán cũng bằng với 1 tiết dạy của một giáo sư đại học. Như vậy thì tại sao các em lại chọn nghiệp nghiên cứu được”.
Những con số gợi suy nghĩ
Sau 32 lần tham gia thi Olympic Toán quốc tế, VN có 193 lượt học sinh dự thi với số giải thưởng giành được là 177; có tới 24/32 lần đoàn học sinh VN đoạt huy chương vàng.
Những năm gần đây, điểm chuẩn vào ngành Toán - Tin của trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM chỉ từ 15-16. Năm 2010, ngành SP Toán trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế là 17, ngành Toán trường ĐH Khoa học - ĐH Huế: 13, ngành Toán trường ĐH Sư phạm Hà Nội I là 16. Trong khi đó, điểm chuẩn khối A trường ĐH Ngoại thương (trường thu hút khá nhiều học sinh giỏi toán thi vào) năm 2010 là 24.

Nhận định về điều này, GS Hà Huy Khoái cho rằng: “Điểm chuẩn vào khoa Toán thấp là rất đáng lo, các thầy dạy toán cũng kêu nhiều về chuyện này. Môn Toán đã vốn là một môn khó học mà vào đến bậc ĐH lại không phải là người giỏi thì việc giảng dạy cực kỳ khó khăn”.
Trước đây, trường ĐH Hùng Vương (TP.HCM) cũng đã mở ngành Toán nhưng sau 5 khóa đã phải đóng cửa do không tuyển đủ chỉ tiêu. Năm 1995 chỉ tuyển được 7 sinh viên, năm 1996 cũng tuyển được ít nên phải chuyển những sinh viên này sang ngành Công nghệ thông tin. Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai Bình, Trưởng phòng Đào tạo của trường cho hay: “Thường sinh viên điểm cao không vào ngành Toán. Mấy năm đó trường lấy điểm chuẩn rất thấp, sát sàn mà vẫn không tuyển được”.
Chất lượng sinh viên yếu dẫn đến việc hằng năm nước ta không có đủ người để đào tạo bậc tiến sĩ. Cả nước có 10 cơ sở đào tạo tiến sĩ về toán, một trong những cơ sở đào tạo lâu đời nhất và có đội ngũ hướng dẫn đông nhất là Viện Toán học nhưng trong suốt 10 năm qua, mỗi năm cũng chỉ tuyển được tối đa 5 nghiên cứu sinh. Do vậy, từ chỉ tiêu 15 nghiên cứu sinh hằng năm, Bộ GD-ĐT rút xuống còn 10 chỉ tiêu vào năm học 2004 - 2005 nhưng Viện cũng không dùng hết. Tình trạng này cũng xảy ra đối với các cơ sở đào tạo còn lại, hằng năm không có quá 20 nghiên cứu sinh bảo vệ luận án tiến sĩ về toán.
Trên thực tế, đây không chỉ là tình trạng của riêng ngành Toán mà của các ngành khoa học cơ bản nói chung.
Học chuyên toán để thi kinh tế
GS Hà Huy Khoái tâm sự: “Thời kỳ trước đổi mới, làm nghề gì thì thu nhập cũng thấp như nhau nên nếu những người ham học toán sẽ đi theo toán. Sau những năm 1990, nước ta phát triển theo hướng kinh tế thị trường và những ngành ảnh hưởng trước tiên là khoa học cơ bản, trong đó có toán. Một thực tế là nếu những em giỏi đi theo toán thì lại trở thành người nghèo, còn những em học yếu hơn thi  kinh tế, theo kinh doanh thì giàu hơn”.
Chính vì thế, dù có giỏi toán và thích toán lắm thì chưa chắc người ta đã đi theo toán, họ nhìn thấy con đường khó khăn và thu nhập thấp.
Nguyễn Quán Anh là HS chuyên toán trường PT Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM) khóa 2001 - 2004 cho biết: “Lớp em có 39 bạn thì đến nay chỉ có khoảng 4-5 bạn theo hướng nghiên cứu. Còn lại, tụi em thi vào các trường ĐH như Ngoại thương, Kinh tế, Y, Khoa học tự nhiên...”. Bản thân Quán Anh thi vào ngành Điện - Điện tử trường ĐH Bách khoa TP.HCM và sau đó xin được học bổng sang Mỹ học ngành Bảo dưỡng hàng không. Quán Anh tư lự: “Thực tế, theo đuổi ngành Toán ở bậc ĐH ra cũng khó xin việc và lương cũng không đủ sống. Nếu theo đuổi việc nghiên cứu, bạn phải thực sự đam mê, có tài năng và đặc biệt không quan tâm lắm tới chuyện kiếm sống”.
Những bạn đang theo học ngành Toán ở các trường ĐH cũng có suy nghĩ không mấy sáng sủa về ngành học của mình. Nguyễn Thị Nhã Trang, khoa Toán - Tin trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM chia sẻ: “Ngành tụi em khó xin việc, phải học thêm nghiệp vụ về ngân hàng nếu muốn đi làm ở ngân hàng, nghiệp vụ về kế toán nếu muốn làm kế toán và nghiệp vụ sư phạm nếu muốn đi dạy. Có nhiều ngành khác hấp dẫn, ra trường có thể kiếm được nhiều tiền nên bản thân những bạn học chuyên toán cũng thích thi vào Ngoại thương, Kinh tế hơn”.
Cần đầu tư tập trung 
Tuy nhiên, theo GS Khoái, câu chuyện chưa đến nỗi bi quan lắm vì ngành Toán có đặc điểm tương đối đặc biệt, nhìn vào điểm sàn của khoa Toán thì thấp, nhưng trong đó lại có sự cách biệt rất lớn, vẫn có một số ít điểm chuẩn rất cao. Toán học trông chờ vào số ít đó và đây cũng là đối tượng cần được Nhà nước có chính sách đầu tư đặc biệt để họ có thể trở thành hạt nhân để thúc đẩy toán học phát triển lâu dài. GS Khoái chia sẻ: “Tất nhiên xã hội cần rất nhiều thứ chứ không phải chỉ toán, nhưng để một số ít ỏi còn lại quyết tâm đi theo ngành Toán với niềm say mê thực sự thì họ cần được đảm bảo cuộc sống để yên tâm với nghề”.
Theo GS Khoái, muốn làm được như vậy, phải hoàn thiện lại hệ thống các lớp chuyên toán. Các giáo sư đầu ngành đều nhất trí không nên mở rộng tràn lan mà nên tập trung xây dựng một số ít lớp để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất sao cho học sinh có điều kiện học gần như các trường phổ thông tiên tiến trên thế giới. Ngoài ra, cần cho phép những HS xuất sắc được đặc cách học vượt lớp, vào thẳng ĐH để học toán. Đặc biệt, những HS đoạt giải toán quốc tế cần được gửi đi học ở các trường ĐH hàng đầu ngay sau khi đoạt giải. Đối với bậc ĐH, một trong những giải pháp trước mắt là nâng cấp và mở rộng các chương trình đào tạo cử nhân tài năng, chất lượng cao hoặc chương trình tiên tiến tại 2 trường ĐH Quốc gia và một số trường trọng điểm khác, sao cho mỗi chương trình có thể thu nạp được khoảng 40 sinh viên giỏi học toán.

Những người rẽ ngang nói gì ? 

*“Tôi và nhiều người khác từng học toán nhưng hiện tại đã rẽ ngang. Chúng tôi học toán và được rèn luyện tư duy logic theo kiểu toán. Sau khi học đại học xong, đó mới là thời điểm mỗi người quyết định lựa chọn con đường cho bản thân, thích hợp với lĩnh vực, ngành nào, công việc gì. Không phải ai cũng có thể thành công như Ngô Bảo Châu, kể cả có đầu tư kỳ công đến đâu - bởi đó là sự hội tụ của rất nhiều yếu tố khác nhau”.
Ông Tôn Quốc Bình (Giám đốc Trung tâm CNTT - Bảo Việt Bank)
* “Có nguồn nhân lực giỏi cũng phải biết sử dụng cho khéo chứ không chỉ dùng cho toán. Thế hệ chúng tôi thì những người giỏi nhất sẽ được cử đi nước ngoài học toán. Nhìn lại thì thấy đó là điều không nên. Phải những người giỏi thực sự mới có thể thành công, chứ những người giỏi làng nhàng cũng không được gì”.
Ông Bùi Quang Ngọc (Cựu giảng viên toán trường ĐH Bách khoa Hà Nội)
* Có thể nhìn nhận vấn đề giới trẻ không theo đuổi toán học ở góc độ như một con đường rẽ ngang, đường tắt đến thành công nhanh nhất. Người học toán thường được trang bị những kỹ năng tư duy logic và phân tích hợp lý, vì vậy dù họ chuyển sang làm việc ở một lĩnh vực khác, họ cũng khá dễ dàng thành công - vậy thì đó có phải là ứng dụng toán học trong cuộc sống không? Đâu phải ai cũng thành công được với toán lý thuyết, kể cả có đầu tư chiều sâu đến đâu”.
Ông Phạm Hồng Quang (Công ty phần mềm tự động hóa Cadpro)
Thanh Niên
 
Copyright © 2014 Fomica Sharing.