Umberto Eco, nhà văn và học giả nổi tiếng người Ý, vừa qua đời ở tuổi 84. Là một tiểu thuyết gia có sách bán chạy nhất, nhà ký hiệu học, nhà triết học, nhà văn, nhà phê bình…, Umberto Eco khám phá những phức tạp trong hành vi của loài người, trong tình yêu và trong văn học bằng sự duyên dáng và tinh tế. Vị tiểu thuyết gia được biết đến bởi tư tưởng triết học của ông về tất cả mọi thứ, từ chủ nghĩa phát xít đến Charlie Brown, Eco mang đến vô số những quan sát súc tích về hành trình tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống của loài người.
Và dưới đây, xin giới thiệu cùng bạn đọc 10 trích dẫn đáng nhớ nhất của ông.
“Tình yêu là gì? Chẳng gì trên thế giới này, không phải con người, cũng không phải quỷ dữ, nhưng tình yêu là điều tôi nghi ngờ nhất, vì nó thâm nhập vào tâm hồn nhiều hơn bất kỳ điều gì. Chẳng có thứ gì trên đời này lại có thể lấp đầy và ràng buộc con tim như tình yêu. Thế nên, trừ khi anh nắm trong tay những vũ khí có thể chế ngự nó, không thì linh hồn sẽ mãi đắm chìm trong vực thẳm mênh mông của tình yêu.” – Trích Tên của Đóa hồng (The Name of the Rose)
“Tôi nghĩ rằng chúng ta nên đánh giá một cuốn sách sau 10 năm, khi đã đọc đi đọc lại nó. Người khác luôn cho rằng lời văn của tôi quá uyên bác, quá triết học, quá khó hiểu. Nhưng khi tôi viết một cuốn tiểu thuyết với ngôn từ đơn giản, hoàn toàn chẳng có chút gì là uyên bác như cuốn Ngọn lửa bí ẩn của Nữ hoàng Loana (The Mysterious Flame of Queen Loana) – thì nó lại là cuốn sách bán được ít nhất trong số các tiểu thuyết của tôi. Có lẽ là tôi đang viết cho những người bạo dâm. Chỉ có các nhà xuất bản và một số nhà báo mới tin rằng mọi người thích những điều đơn giản. Mọi người mệt mỏi trước những điều đơn giản. Họ muốn được thử thách.” – Trích Phỏng vấn với tờ The Guardian năm 2011.
“Tất cả những câu chuyện tôi muốn viết luôn hành hạ tôi trong căn phòng của mình, cứ như thể tất cả chúng đều xung quanh tôi. Lũ quỷ nhỏ ấy, đứa kéo tai tôi, đứa nhéo mũi tôi, và từng đứa nói với tôi rằng: ‘Thưa Ngài, xin hãy viết về tôi, [bởi] tôi đẹp đẽ.’”
Vào sáng ngày 27/7/1943, tôi nghe trên đài radio phát rằng chủ nghĩa phát xít đã sụp đổ và Mussolini đã bị bắt. Nhưng khi mẹ sai tôi đi mua báo, tôi lại thấy những tờ báo ở sạp báo gần nhất có tiêu đề khác nhau. Chưa hết, sau khi đọc tiêu đề, tôi còn nhận ra rằng mỗi tờ báo lại viết về những điều khác nhau. Tôi đã mua đại một tờ trong số đó, và đọc mẩu tin trên trang nhất, có chữ ký của năm hay sáu đảng chính trị – gồm Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo, Đảng Cộng sản, Đảng Xã hội, Đảng Hành động, và Đảng Tự do. Mãi cho đến lúc đó, tôi vẫn cứ tin rằng mỗi nước chỉ có một đảng duy nhất, và ở Ý là Đảng Quốc gia Phát xít. Nhưng giờ thì tôi đã phát hiện ra rằng ở đất nước tôi, nhiều đảng phái vẫn có thể cùng tồn tại.” – Trích bài luận UR-Facism (1995, The New York Review of Books)
“Những cuốn sách được viết ra không phải để tin, nhưng là để xem xét. Khi đọc một cuốn sách, chúng ta không nên tự hỏi nó nói gì, nhưng hãy hỏi nó có nghĩa gì.” – Trích Tên của Đóa hồng
“Tôi cần được bình yên. Tôi đã hiểu điều đó. Đã từng có người nói rằng bình yên sẽ đến khi bạn hiểu, phải không? Tôi đã hiểu. Tôi cần được bình yên. Ai nói rằng bình yên xuất phát từ sự chiêm nghiệm, được hiểu ra, thưởng thức, và nhận thấy mà không chút cặn bã, trong niềm vui và chiến thắng, trong sự kết thúc của nỗ lực? Tất cả đều rõ ràng, trong trẻo; mắt nhìn thấy toàn thể và từng bộ phận, thấy cách các bộ phận đã âm mưu phản lại toàn thể; nó nhận thức được vị trí trung tâm, nơi mạch bạch huyết chảy, hơi thở, nguồn cội của mọi thứ …” – Trích Con Lắc Foucault (Foucault’s Pendulum)
“Anh hùng thực sự luôn là kẻ vô tình trở thành anh hùng; hắn mơ ước được làm kẻ hèn nhát như những người khác.”
“Dan Brown [tác giả Mật mã Da Vinci] là một nhân vật từ Con lắc Foucault! Tôi phát minh ra anh ta. Anh ta cũng có những đam mê như các nhân vật của tôi – đó là âm mưu thống trị thế giới của Hồng Hoa Thập Tự (Rosicrucians), Hội Tam Điểm (Masons), Tu sĩ Dòng Tên (Jesuits). Vai trò của các Hiệp sĩ Dòng Đền (Knights Templar). Các hội kín. Mọi thứ đều có liên quan với nhau. Tôi nghi ngờ rằng Dan Brown có thể thậm chí không phải người thật.” – Trích Phỏng vấn với tờ Paris Review năm 2008
“Charlie Brown đã được gọi là đứa trẻ nhạy cảm nhất từng xuất hiện trong lịch sử truyện tranh, một nhân vật có khả năng thay đổi tâm trạng như Shakespeare; và cây bút chì của Schulz đã thành công trong việc dựng nên những biến thể này bằng những phương tiện thật kỳ diệu. Nội dung câu chuyện, vốn luôn nhã nhặn (những đứa trẻ này hiếm khi dùng tiếng lóng hay những câu sai ngữ pháp), đã cùng các bản vẽ diễn tả sắc thái tâm lý tinh tế trong mỗi nhân vật. Cứ thế, các ‘thảm kịch hàng ngày’ của Charlie Brown đã được vẽ nên trong con mắt của chúng ta với tính gương mẫu sâu sắc.” – Bàn về Truyện tranh Đậu phộng(Peanuts), The New York Review of Books, 1985.
“Một người cảm thấy thế nào khi nhìn lên bầu trời? Anh sẽ nghĩ rằng anh không có đủ ngôn từ để mô tả những gì mình thấy. Tuy nhiên, con người chưa bao giờ ngừng mô tả bầu trời, chỉ bằng cách đơn giản là liệt kê những gì họ nhìn thấy … Chúng ta có một giới hạn, một giới hạn khiến ta nản lòng và xấu hổ: cái chết. Đó là lý do tại sao chúng ta thích tất cả những gì mà mình giả định là không có giới hạn, và theo đó, là không có kết thúc. Đây là một cách để thoát khỏi những suy nghĩ về cái chết. Ta thích những danh sách liệt kê vì ta không muốn chết.” – Trích Phỏng vấn với tờ Der Spiegel năm 2009
Kim Phụng (theo Guardian)