Có anh bạn FB hỏi rất xoáy: “tại sao nhạc Việt có bài hay nhưng với nước ngoài thì họ khó thấy hay, còn nhạc của họ hay thì vào ta thế nào cũng hay luôn?” Hay một cách nói khác: sao ta nghe nhạc “tây” mà “tây” không nghe nhạc ta?
Câu hỏi này đã làm nhiều người băn khoăn rồi, tôi cũng đã thử tìm giải đáp, chứ cứ trả lời “nước mình nó thế” hay“nó trình độ cao hơn mình, từ bé ăn bơ sữa…” thì không thuyết phục rồi! Trong phạm vi bài viết này tôi sẽ chỉ nói đến các bài hát, thôi cứ tạm gọi là “nhạc nhẹ” đi! Nhưng bức tranh thì quá rõ: ta biết khá nhiều nhạc “tây”, còn “tây” tuyệt đối chả biết bài nào của ta cả? Thế là do đâu?
Đầu tiên phải nói rằng nguyên nhân không ở tài năng! Người Việt học nhạc không kém đâu (tùy loại nhạc, trung bình ra có dân tộc nọ hơn dân tộc kia đấy, nhưng dân ta chắc chắn không phải loại “đội sổ”!)- cứ trông vào Đặng Thái Sơn là biết. Vậy trong việc viết và hát ca khúc sao ta lại không “lan tỏa” được sang tây, còn “tây” lại làm được nhỉ?
Thôi bắt đầu phân tích xem tại sao …
Phần 1. TÂY “SẾN” HƠN TA NÊN TA THÍCH TÂY
Cách đây hai chục năm, tôi vừa về nước, thấy phong trào học và sử dụng tiếng Anh lên cao lắm (cũng đúng lúc Mỹ mới bỏ cấm vận nữa), đi đâu cũng thấy OK với Hello, lại thêm “cho xin cái bill” nghe thật sành điệu, còn mình không biết tý gì, đến cái chữ "fax" đọc cũng không giống người trong nước, đâm tôi hơi tự ti, nên quyết nhanh chóng học tiếng Anh. Mà hồi đó đang có phong trào karaoke, cắt tóc gội đầu, matxa rồi sàn nhảy, thì giờ đâu mà mời thầy, theo lớp, thế là tôi tranh thủ học luôn tiếng Anh trong karaoke, được cái hồi đó ngày vào karaoke 2 lần là ít, nên học hành cũng mau “tấn tới”. Từ đứa chả biết hát hỏng là gì, tôi nhanh chóng thuộc hết quyển danh mục bài hát, cả lời ta và Tây, đến mức cuối cùng không cần dùng đến nó nữa để chọn bài (hồi đó còn 4 số thôi, sau này lên đời 5 số phải nhờ chị em bấm, chứ khó thuộc hơn rồi). Những bài tiếng Hoa thì bỏ qua rồi, còn lại bài nào cũng “luyện”-thế nên lượng từ vựng tiếng Anh cũng tàm tạm, thế rồi sau đấy gặp Tây lại tự nhiên nói được tiếng Anh từ lúc nào, tất nhiên ở dạng “ba xí ba tú” thôi, nhưng mà đúng là “có học có hơn”…
Lại quay lại chuyện nhạc tây. Số là khi cảm thấy “tự tin” rồi, tôi mới tìm cách thẩm định tiếng Anh của mình, sẵn có con bé cháu họ, Việt kiều đẻ ở Mỹ, đang về Việt Nam thực tập khoa tiếng Việt, tôi mới lôi nó đi karaoke để nó “thẩm định”. Trong karaoke cậu thì cứ chọn bài tiếng Anh, cháu thì cứ tập hát tiếng Việt, ngọng líu lô nghe ngứa tai thật (suy ra mình hát tiếng Anh thì tra tấn chúng nó y chang vậy!). Tôi mới hỏi sao mày không hát tiếng Anh đi cho đỡ làm khổ bà con, thì nó bảo không hát vì mấy bài tiếng Anh này “sến lắm”! Câu trả lời của nó làm tôi choáng, tôi vẫn nhớ đến bây giờ, và muốn chứng minh với ACE hóa ra là thế thật…
Ca từ của đa số các bài hát tiếng Anh đa số là “siêu sến”! (suy ra thì tiếng Đức, Pháp hay Nga cũng vậy thôi…tôi thấy lời Nga đỡ sến hơn nhiều). Toàn yêu đương, khóc lóc, tim vỡ, tình tan nhà nát, lang thang lãng tử phiêu du…còn quá những bài “nhạc vàng” nhà ta. Lấy ví dụ một bài rất được yêu thích những năm 70, “Seasons in the sun” xin nghe qua một giọng hát mà không ai có thể nghĩ rằng “sến” được tý nào. Vâng, “Nirvana”-Kurt Cobain- rượu chè, thuốc phiện, trai gái triền miên, cuối cùng tự sát (hay bị vợ bắn!?)-tóm lại quá là “thanh niên cứng” rồi, thế nhưng bài hát lại rất “sến”-sến một cách tuyệt vời!
https://www.youtube.com/
Bài này thành bài hát thuộc nằm lòng của biết bao đứa con giang hồ, những “black sheef of the family”.
Sau này Westlife hát lại, còn “sến” hơn nữa, tuy khá thành công:
https://youtu.be/LkkQfjBfrBY
Bản chuyển lời (của Phạm Duy?) rất sát nguyên bản, và được Duy Quang thể hiện cũng rất hay:
https://youtu.be/4C1cYQYsaWM
Lại xem một bài khác, cũng rất nổi tiếng, còn dịch ra nhiều thứ tiếng hơn, và cũng “sến” vậy: Danyel Gerard tự hát hit “Butterfly, my butterfly” của mình bằng rất nhiều thứ tiếng châu Âu, các bạn theo dõi lời bài hát có ủy mị không nhé:
https://youtu.be/b0R-yRyutMo
Tiếng Đức chẳng hạn:
https://youtu.be/tBbI7TQGHj0
Hoặc một nam tài tử nữa: Demis Rousoss (Good Bye My Love Good bye ):
https://youtu.be/XXfPO-thpZo
ABBA không là ngoại lệ: các bài hát thường có lời khá ý nghĩa, tuy vậy dịch ra và cảm nhận vẫn thấy rõ rệt độ “sến”: ví dụ “I have a dream”:
https://youtu.be/IX79VxZ5j4g
Bản “Hotel California” nổi tiếng với Eagles, hóa ra lại có một nội dụng “vớ vỉn”:
https://youtu.be/HC7LkM2po7M
The Beatles cũng đã đạt vinh quang với những bài hát nội dung rất hay tuy đơn giản và ngắn gọn, kiểu “Yesterday” và “Imagine”, “Let It Be”:
https://youtu.be/rsxUDjfhj5Y
Julio Iglesias thì siêu ngọt ngào rồi: “Hey”
https://youtu.be/PQt7CXkWjtU
Whitney Houston – I Will Always Love You:
https://youtu.be/H9nPf7w7pDI
Ông hoàng nhạc Pop Michael Jackson có gu âm nhạc “quái” hơn rất nhiều, nhưng cũng có khá nhiều nhạc phẩm trữ tình: “Heal The World” chẳng hạn:
https://youtu.be/BWf-eARnf6U
Các bạn có thể tự lấy một bài nào tiếng Anh mình thích ra, rồi phân tích lời xem, sẽ thấy “còn sến hơn ta” ngay! Trừ những bài kiểu Pink Floyd ra (cả bài có một hai câu kiểu “Hey Teachers! Let us learn alone…”) thì chả nói làm gì, còn lại xưa nay vẫn vậy đấy! Năm 2014 này cũng chẳng khác mấy chục năm trước nhiều đâu, ví dụ cô gái trẻ, siêu quậy phá Miley Cyrus có bài rất trữ tình “Butterfly fly away”:
https://youtu.be/7M8ixTtawpU
Thế thì kết luận sao đây? Thì nhạc tây đã hay rồi (sao hay phần tiếp theo tôi xin đề cập), mà tất nhiên phải những bài hay thì dân ta mới chọn ra mà nghe, mà thích chứ, lại thêm nội dung “sến” nữa cũng phù hợp với tâm lý nghe nhạc của nhà mình, chứ đâu có lên gân “bắn rơi máy bay” hay “tay cày, tay cấy đảm đang” đâu, thích cũng phải thôi! Bài hát tây còn đơn giản hơn bài hát ta nhiều, nên dễ “đi vào lòng người” lắm!
P.S. Có thể dừng phần 1 ở đây rồi, chỉ xin bổ sung thêm mấy quan sát về các sự “sến” trong âm nhạc, ở đây đang nói về ca từ. Nhạc nhẹ ở ta ngoài nhạc cách mạng ra, thì có nhạc trữ tình và nhạc “sến” (theo cách ta hiểu là ướt át, Chế Linh, Tuấn Vũ, Ngọc Sơn, Hương Lan, Như Quỳnh…) hay vọng cổ, cải lương thì khá “sến”, tuy thế chèo lại hoàn toàn không đâu nhé!
Tiếp nữa, nếu ai không biết thì cũng nên biết, cái ta gọi là “nhạc nước ngoài” mà ta biết, ta quen nghe, quen hát (cứ xem quyển bài hát karaoke, mấy chục năm nay cũng thay đổi chả nhiều đâu, nhất là phần bài hát tiếng Anh) thì NGƯỜI NƯỚC NGOÀI HẦU NHƯ HOÀN TOÀN KHÔNG BIẾT GÌ! Không tin các bạn cứ lôi một chú người Anh, Úc hay Mẽo chính hiệu, bất kể tuổi tác bao nhiêu, vào karaoke lành mạnh rồi chuốc rượu bắt nó hát đi, xem nó có biết được 3 đến 5 bài trong cái tập danh sách bài hát tiếng Anh dày cộp ấy không? Có thể bạn gặp may hơn tôi, chứ tôi thử mấy lần rồi, chắc tìm mãi được 1 bài nó biết (Happy Birthday To You)! Tự bạn kết luận…