BREAKING NEWS
Chia sẻ là niềm vui

Monday, February 29, 2016

7 lý do bạn chưa được tăng lương

Vì sao bạn làm việc tốt mà đợi mãi vẫn chưa thấy được tăng lương?
Vì sao mãi chẳng được tăng lương?
Bạn làm việc chăm chỉ, hoàn thành mọi nhiệm vụ, luôn có tinh thần trách nhiệm cao với công việc và nỗ lực cống hiến hết mình cho công ty. Bản đánh giá năng lực cuối năm cũng không hề chỉ ra bất cứ điểm yếu nào. Bạn dường như là một nhân viên lý tưởng. Nhưng, vì một lý do nào đó, bạn vẫn chưa được nâng lương.
Điều này thật khó khăn, đặc biệt là khi bạn rất trông chờ vào khoản thu nhập thêm. Không được tăng lương khiến bạn cảm thấy hoang mang về hiệu quả công việc và cả về sự nghiệp của mình. Nhưng trước khi bạn tự đắm mình vào hố sâu của sự chán nản, hãy lùi lại một bước và tìm hiểu tại sao bạn vẫn chưa được nâng lương. Dưới đây là một số khả năng có thể khiến bạn chưa được nâng lương, và không phải mọi khả năng đều vì biểu hiện trong công việc của bạn.

1. Bạn không hề hỏi

Lý do đầu tiên và rõ ràng nhất cho thấy vì sao bạn không được tăng lương đó là bạn không hề yêu cầu. Đối với nhiều nhân viên văn phòng, việc yêu cầu được nâng lương khiến họ cảm thấy không thoải mái; họ sợ bị bác bỏ hoặc sợ sếp của họ sẽ cảm thấy họ là người tham lam. Mặc dù nhiều công ty rất quan tâm đến nhân viên và thưởng cho những đóng góp của nhân viên bất cứ khi nào có thể, họ vẫn đặt vấn đề chi phí và lợi nhuận lên hàng đầu. Nếu bạn không dứt khoát yêu cầu được nâng lương, sếp của bạn sẽ cho rằng bạn đã thỏa mãn với mức lương hiện tại.
Hướng giải quyết: Rất đơn giản, tự đưa ra một yêu cầu được nâng lương.

2. Bạn chưa chuẩn bị sẵn sàng

Cũng có thể bạn đã hỏi trực tiếp sếp để được nâng lương, tuy nhiên bạn chưa chuẩn bị đầy đủ thông tin để trình bày lý do bạn yêu cầu như vậy. Nếu bạn chỉ đến trước mặt sếp và nói “Hãy tăng lương cho tôi” nhưng không hề đưa ra được bất cứ lý do gì để cho thấy yêu cầu của mình có lý, lời đề nghị của bạn sẽ bị bác bỏ lập tức.
Hướng giải quyết: Trước khi đến gặp sếp, hãy chuẩn bị thật kĩ càng nhiều thông tin càng tốt. Đồng thời, những thông tin này phải rõ ràng, có cả số liệu chứng minh kèm theo.

3. Bạn chỉ hoàn thành tốt công việc của mình

Có thể bạn luôn có mặt đúng giờ, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao và ra về đúng giờ. Nhưng như thế chỉ dừng lại ở mức nhân viên bình thường, không phải xuất sắc. Nhân viên bình thường thì lương cũng nằm ở mức bình thường. Những nhân viên xuất sắc là những nhân viên thường đi sớm về khuya nếu cần thiết, hoàn thành không những chỉ nhiệm vụ của mình mà còn hỗ trợ người khác với công việc của họ, bên cạnh đó luôn sáng tạo và đóng góp những ý kiến mới cho tập thể.
Hướng giải quyết: Đừng chỉ làm việc “đủ” mà hãy làm việc “xuất sắc”. Nó có thể không khiến bạn được nâng lương ngay lập tức, nhưng qua một thời gian nếu bạn luôn cố gắng, bạn sẽ nhận được kết quả tương xứng.

4. Bạn đưa ra những lý do quá cá nhân

Bạn yêu cầu được nâng lương vì những lý do như phải hỗ trợ gia đình, phải trả tiền thuê nhà… Nhà tuyển dụng sẽ chẳng bao giờ quan tâm đến những lý do như vậy. Họ chỉ trả lương cho bạn đúng với những gì bạn cống hiến cho công ty, không phải đáp ứng với những nhu cầu của bạn.
Hướng giải quyết: Đừng đưa ra những lý do cá nhân. Vấn đề không phải là bạn cần tiền, mà là bạn có xứng đáng với mức lương đó hay không. Và chỉ có thể chứng minh điều đó qua thực tế.

5. Bạn không cho người khác thấy được những thành tích của mình

Bạn đã làm việc rất chăm chỉ trong suốt một năm qua, nhưng nếu bạn không cho sếp và đồng nghiệp thấy được những thành tích bạn đạt được, thì cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi bạn không được tăng lương.
Hướng giải quyết: chuẩn bị sẵn những tài liệu và con số cụ thể để chứng mình cho nhà tuyển dụng những thành tích bạn đạt được. Thay vì chỉ nói suông rằng “Tôi đã viết được nhiều bài đăng tốt”, hãy nói “Tôi viết được 100 bài đăng, những bài viết này đã thu hút được hơn 30% lượt người xem.”

6. Bạn chỉ dậm chân tại chỗ

Qua một thời gian làm việc, bạn vẫn chỉ như những ngày đầu mới vào công ty. Vẫn những kiến thức đó, vẫn những kĩ năng đó, không có gì đổi mới. Vậy tại sao nhà tuyển dụng phải tăng lương cho một nhân viên chẳng có gì khác biệt so với ban đầu?
Hướng giải quyết: Hãy tích cực học hỏi thêm nhiều kĩ năng từ đồng nghiệp, tham gia nhiều khóa học để làm tăng giá trị của bản thân.

7. Bạn không phải là một thành viên tích cực

Nếu bạn có thói quen hay than phiền hoặc lan truyền những điều tiêu cực trong nội bộ công ty, bạn sẽ không được nhà tuyển dụng xem trọng cho dù bạn có hoàn thành tốt công việc của mình như thế nào đi nữa. Công ty muốn đãi ngộ những nhân viên có thể đóng góp tích cực cho tập thể, làm tập thể tốt hơn chứ không phải xấu đi.
Hướng giải quyết: biến những điều tiêu cực thành tích cực. Thay vì than phiền, hãy suy nghĩ xem làm cách nào để hỗ trợ đồng nghiệp khắc phục hậu quả, làm tình hình trở nên tốt hơn. Công nhận thành tích của những đồng nghiệp khác và học tập từ họ.
Một khi bạn đã hiểu được lý do tại sao mình không được nâng lương, mọi việc sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Nó giúp bạn biết mình cần phải làm gì trong giai đoạn tiếp theo để cải thiện tình hình.
Huyền Vũ (Theo HR Insider)
 
Copyright © 2014 Fomica Sharing.