BREAKING NEWS
Chia sẻ là niềm vui

Tuesday, March 1, 2016

Biết nói gì về... Chuyện tình

Biết nói gì về một cô gái hai mươi lăm tuổi vừa mới qua đời? Rằng nàng đẹp và thông minh. Rằng nàng yêu nhạc Mozart và Bach. Yêu Beatles. Và yêu tôi”. Erich Segal mở đầu Chuyện tình (Love story) (*) nổi tiếng bằng những dòng cô đọng, đặc sắc như vậy.
Nương theo những dòng chữ đó cũng có thể viết rằng: “Có thật nhiều điều để nói về tác phẩm để đời của Erich Segal - nhà văn Mỹ vừa ra đi hôm 17-1 tại London. Rằng đó là một chuyện tình lãng mạn, đẹp và buồn. Rằng nó được kể bằng một thứ ngôn ngữ vừa thô ráp vừa thông minh, đầy lôi cuốn theo cung cách hiện đại”.

Một bi kịch tình yêu - quả vậy, nhưng ở đây không có chuyện “tóc mai sợi vắn sợi dài, lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm”, càng không phải là chuyện tình tay ba, tay tư éo le, gay cấn.

Chàng là Oliver Barrett IV - sinh viên Đại học Harvard, con trai một “đại gia” ngân hàng thuộc một dòng họ danh tiếng, quyền uy, và nàng là Jennifer Cavilleri (Jenny, như cách gọi thân mật) - cô sinh viên trường nhạc Radcliffe, con gái một người Ý nhập cư làm bánh ngọt. Họ tình cờ gặp gỡ, yêu nhau và tự làm đám cưới theo kiểu riêng của mình. Và nàng chết vì bệnh ung thư máu - khi cả hai vừa tạo dựng một tổ ấm hạnh phúc.
Cốt chuyện chỉ có vậy. Nói chung, chuyện tình của đôi tình nhân này hầu như suôn sẻ, tuần tự mà tiến, cha mẹ hai bên có ngỡ ngàng nhưng không cấm đoán gay gắt (ở Mỹ mà!). Chỉ có một trở lực lớn lao duy nhất mà họ - và vô số người - không thể vượt qua được: cái chết vì căn bệnh nan y.

Nếu cứ theo cái tiêu chí cốt truyện hấp dẫn như lệ thường, nghĩa là bi kịch phải lắm tình tiết ngang trái đan xen, phải khéo thắt gút mở gút thì Chuyện tình không “đạt”. Vậy mà, ngay sau khi xuất hiện, Chuyện tình đã trở thành cuốn sách bán chạy nhất trong năm 1970 ở Mỹ, còn phim thì được đề cử đến bảy giải Oscar và sau đó đoạt giải Oscar nhạc phim hay nhất cho Francis Lai.

Giới trẻ nhiều nước trên thế giới đã bị hút hồn theo chuyện tình của họ. Thậm chí câu nói của Jenny đã trở thành câu cửa miệng của bao nhiêu cặp tình nhân thời ấy: “Yêu nghĩa là không bao giờ nói hối tiếc” (Love means not ever having to say you’re sorry).

Điều gì đã tạo nên hấp lực?

Oliver và Jenny là mẫu người tiêu biểu cho giới trẻ ưu tú trong một xã hội công nghiệp giàu có. Và con đường tương lai dường như được trải bằng hoa hồng. Thế nhưng, thực tế lại không phải như vậy. Oliver muốn sống tự lập, luôn tìm cách thoát ra cái bóng nặng nề của cha mình, của dòng họ Barrett “luôn đứng đầu” mọi chuyện. Xung đột của Oliver với người cha và gia đình - dưới góc độ xã hội - có thể thấy thấp thoáng ở đó hình ảnh của thế hệ thanh niên hippy thời ấy với thái độ phản kháng đối với xã hội công nghiệp thừa tiền mà thiếu tình yêu, lối sống gò bó, đạo đức giả; phản đối chiến tranh, giải phóng tình dục…

Với Jenny thì có khác. Tuy cũng phóng khoáng, bỏ qua những lề luật gò bó nặng tính hình thức, nhưng nàng sống êm thấm với những giá trị văn hóa truyền thống Ý - Địa Trung Hải: Jenny coi trọng mối liên hệ tình cảm gia đình, thực lòng muốn hòa giải mối xung đột giữa cha con nhà Barrett; mặt khác, nàng sống hồn nhiên, thiên về cảm xúc - dù rằng cảm xúc ấy nhiều khi bị nén lại, ẩn đằng sau một thứ ngôn ngữ táo tợn, bất cần.

Chính vì vừa có nét giống nhau mà cũng vừa khác nhau nên họ quấn quít lấy nhau, gắn kết không rời. Và Oliver Barrett IV - đứa con lạc lõng của xã hội công nghiệp khô khan, lạnh lùng đã không khỏi ngỡ ngàng thích thú khi lần đầu tiếp xúc với cô con gái lớn lên từ cộng đồng dân nhập cư gốc Ý ở thị trấn nhỏ Cranston, cũng như khi “thâm nhập” vào cái không gian sống nồng ấm, sinh động, đầy tình người của cộng đồng này.

Nhưng cuộc tái khám phá quan trọng nhất với Oliver chính là khám phá ra một tình yêu thật sự với Jenny - một thứ tình cảm “đặc biệt” không hề giống với bất cứ mối quan hệ nam - nữ nào của chàng ta trước đó. Không thực dụng, không chóng vánh dẫn đến quan hệ xác thịt, không dễ đến và không dễ đi - những việc đã trở thành bình thường trong lối sống Mỹ.

Ngay chính chàng ta cũng rất ngạc nhiên về sự “bất bình thường” đến “kỳ quặc” của mình khi trong suốt ba tuần lễ quen biết Jenny mà tuyệt không nghĩ đến chuyện ăn nằm, chỉ có mấy nụ hôn. Jenny quá tinh tế và nhạy cảm để có thể chấp nhận một hành vi chiếm đoạt vội vàng. Còn Oliver một phần vì “sợ sẽ bị cự tuyệt” và phần khác “sợ là mình được chấp nhận bởi những lý do không đẹp”.

Một tình yêu đúng nghĩa khởi nguồn từ đâu nếu không từ sự tôn trọng lẫn nhau và tính chân thực, trong sáng - những điều mà những xã hội khác coi là cần phải có, không thể khác được, thì lạ thay, ở xứ Mỹ hiện đại lại là điều bất ngờ, đánh thức những cảm xúc tươi mới, hướng thượng. Phải chăng người ta tìm lại được cái đẹp tưởng chừng đã mất đi vĩnh viễn?

(*) Cuốn Chuyện tình đã được dịch ra tiếng Việt từ trước 1975, sau này được một số dịch giả dịch lại và cho xuất bản, tái bản nhiều lần với lượng ấn bản lên đến mấy chục ngàn cuốn.
Tham khảo các bản dịch gần đây:
- Chuyện tình, Hoàng Cường dịch, NXB Văn học, 2001.
- Chuyện tình, song ngữ Anh-Việt, bản dịch tiếng Việt của Hoàng Cường và Bích Thủy , NXB Thanh Niên, Hà Nội 2000 (in lần thứ 3).
 
Copyright © 2014 Fomica Sharing.